Turbo tăng áp ô tô là gì? | Động cơ turbo tăng áp trên xe hơi
Ngày nay, công nghệ Turbo tăng áp đã được ứng dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô. Vậy Turbo tăng áp ô tô là gì? Công dụng và ưu nhược điểm của nó ra sao? Bài viết này được trình bày theo một cách thông thường dễ hiểu nhằm cung cấp cho người đọc không chuyên về lĩnh vực cơ khí máy móc cũng có thể hiểu và nắm bắt được, không đặt nặng quá về chi tiết chuyên môn.
Turbo tăng áp ô tô là gì?
Turbo tăng áp (Turbocharger) là một thiết bị được gắn với cổ xả của động cơ, tận dụng khí thải để bơm không khí vào các buồng đốt làm tăng sức mạnh, hiệu suất của động cơ.
Việc đốt cháy không chỉ bị giới hạn ở số lượng nhiên liệu được phun vào mà còn cả lượng không khí pha trộn với lượng nhiên liệu đó. Cưỡng bức không khí đi vào khoang nạp khí của động cơ ở một áp lực cao hơn cho phép nhiều nhiên liệu được đốt cháy, và kết quả là cho ra hiệu suất cao hơn.
Turbocharger bao gồm 2 phần chính là turbin và bộ nén, đó là 2 cánh quạt gắn trên một trục, mỗi quạt một đầu trục. Khí xả của động cơ được dẫn tới một quạt, được gọi là turbine với mục đích để quay trục và xoay quạt thứ 2 theo hiệu ứng ngược lại, được gọi là bộ nén, bộ nén này sẽ có nhiệm vụ nén khí vào khoang nạp khí của động cơ.
Chính vì sử dụng khí thải của động cơ để nén và đưa vào khoang nạp khí nên không khí được nén có nhiệt độ rất cao, khí được nén này sẽ có mật độ loãng và sẽ có những hiệu ứng không tích cực khi đưa trực tiếp vào động cơ, chẳng hạn như hiện tượng gõ máy. Vì vậy, Turbocharger thường làm việc đi kèm với một bộ làm lạnh trung gian để làm mát khí đã được nén trước khi đưa vào động cơ. Bộ làm lạnh trung gian thường là bộ tản nhiệt đơn giản, thông qua bộ tản nhiệt này không khí nóng sẽ tỏa bớt nhiệt, tăng mật độ trước khi đốt. Bộ làm lạnh trung gian được đặt giữa Turbochager và khoang nạp khí.
Ưu, nhược điểm của Turbo tăng áp:
Ưu điểm: Tăng sức mạnh cho động cơ mà không cần tăng số xilanh cũng như dung tích; làm giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải.
Nhược điểm: tăng chi phí bổ sung, sửa chữa phức tạp và có độ trễ (Turbo lag).
Turbo lag là sự chậm trễ trong phản ứng tại thời điểm khi người lái thực hiện tăng tốc, Turbocharger sẽ mất 1 hoặc 2 giây (có thể là hơn) để có thể theo kịp tốc độ mà tại đó nó mới nén đủ khí để đáp ứng được việc gia tăng hiệu suất. Trong những năm qua, các nhà thiết kế đã cố gắng giảm hiệu ứng turbo lag bằng một thiết kế turbo kép. Ngày nay, với sự kết hợp của các hệ thống quản lý động cơ với hệ thống máy tính phức tạp và độc lập, các turbin có trọng lượng thấp dường như là một bước tiến lớn trong việc giảm hiệu ứng turbo lag.
>> Xem thêm: Các loại turbo tăng áp ô tô hiện nay | Ưu nhược điểm mỗi loại tăng áp
>> Xem thêm sản phẩm Turbo tăng áp tại Power Turbo:
Bài viết mới
Danh mục tin tức
- Quy định – Chính sách (5)
- Tin tức (222)